Thứ Ba, 20 tháng 5, 2014

Cảm nhận của các học viên về lớp TOT 1

Lớp đào tạo giảng viên nguồn cho chương trình Khởi Nghiệp đầu tiên (TOT1) được khai giảng vào 11/12/1013 và bế giảng ngày 19/12/2013. Kết quả ban đầu của lớp học như thế nào? Hãy xem cảm nhận của các học viên là doanh nhân và giảng viên các trường đại học dưới đây: (Xếp theo thứ tự tên từ A-Z)




Nguyễn Thị Lan Anh
Khoa Kinh tế - Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM


Theo yêu cầu về nội dung của bài viết, em xin có một số chia sẻ và ý kiến như sau:
Trước hết phải nói rằng đến với lớp học TOT được tổ chức ở TPHCM đối với em là một điều thật may mắn. Lý do đầu tiên là em được khoa đề xuất đi học chương trình này với cũng rất ngẫu nhiên nhưng có một chút mang tính sắp đặt. Em là một giảng viên trẻ, rất trẻ nên rất non nớt trong kinh nghiệm giảng dạy cũng như kinh nghiệm thực tế. Tuy nhiên cũng vì thế em lại có sự nhiệt tình, nhiệt huyết của tuổi trẻ, sự khao khát vươn lên và sự gần gũi với sinh viên. Khi được cử đi học như vậy, em đã mang trong mình một niềm tin là sau khi kết thúc không những chính bản thân mình học hỏi được rất nhiều điều vô cùng bổ ích và giá trị mà còn chính mình sẽ là một trong những nhân tố giúp phát triển những ý tưởng khởi nghiệp có thể triển khai trong thực tế một cách hiệu quả và thành công cũng như góp một phần công sức vào việc hình thành những lớp doanh nhân trẻ cho TPHCM, cho đất nước Việt Nam. Lý do thứ hai là em may mắn gặp được những người thầy, những người làm doanh nghiệp rất tâm huyết, rất kinh nghiệm. Em đã và sẽ học được rất nhiều điều từ người thầy trực tiếp truyền dạy những kiến thức và kỹ năng liên quan đến mục đích đào tạo của khóa học cũng như những người thầy và những doanh nhân khác tham dự lớp học vì họ có rất nhiều đóng góp xây dựng bài và rất nhiều chia sẻ trong quá trình học.
Với một cơ hội vô cùng tuyệt vời và hiếm có như thế này, em đã đến với lớp học và đang học hỏi, tiếp thu, lĩnh hội được nhiều vấn đề. Em có thể áp dụng được cho chính bản thân mình những điều rất cơ bản từ những nhóm người trong xã hội để phán đoán và đánh giá các đối tượng đến việc đánh giá khả năng của bản thân qua các bài tập được tổ chức trong lớp học, từ những bài tập động lực bổ ích cho ích đến những bài tập tình huống thú vị và rất thực tế. Và đương nhiên là em sẽ lấy những gì em học được đó truyền đạt lại cho sinh viên của em. Ngoài ra những kỹ năng liên quan đến giảng dạy, trình bày và phân tích một vấn đề, kỹ năng trả lời câu hỏi, tổ chức lớp học, hiểu và nhận biết người học; kiến thức lãnh đạo, kiến thức xã hội, kiến thức kinh doanh là những điều mà các học viên nhận được. Với một người còn chập chững những bước đầu trong sự nghiệp giảng dạy như em thì tất cả những điều như trên là vô cùng quý giá mà không có một bài giảng lý thuyết nào có thể so sánh được vì đây là những quan sát, kinh nghiệm thực tiễn, không có một buổi dự giờ trên trường nào có thể ngang bằng được vì đây là tập hợp những con người rất xuất sắc cũng như không có lớp đào tạo nào có thể giá trị bằng vì nó hàm chứa những nội dung đặc biệt và mới lạ. Do đó, em sẽ luyện tập và vận dụng những kiến thức và kỹ năng mình học được để đào tạo ra những thế hệ sinh viên tốt, sinh viên có trình độ cao với kiến thức, kỹ năng, thái độ đạt yêu cầu. Nói tóm lại, tất cả, tất cả sẽ được em cố gắng áp dụng hết vào thực tế, vào công việc một cách tối đa. Tuy nhiên, hơn thế nữa là em sẽ truyền những đam mê, niềm tin, hy vọng và cả quyết tâm đến những lớp sinh viên sau này để họ có thể có những ý tưởng kinh doanh mới mẻ, bắt đầu khởi nghiệp với những công cụ đã được trang bị và tiến hành làm việc để gặt hái thành công. Em sẽ kết hợp với các doanh nhân, mời họ về trường chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong quá trình họ va chạm thực tế để sinh viên có những kiến thức, có cái nhìn sâu và rộng hơn. Em sẽ cùng với những đồng nghiệp trong khoa tổ chức những cuộc thi trong quy mô trường để phát động hơn nữa tinh thần và phong trào khởi nghiệp kinh doanh, giúp các bạn sinh viên tiến gần hơn đến thực tế.
Như vậy, về nội dung đào tạo, phương pháp giảng dạy, phương pháp tổ chức lớp học thì không có gì phải tranh luận vì rõ ràng tất cả những điều này đã được thiết kế rất chu đáo và khoa học; đang được tiến hành rất suôn sẻ và chuẩn mực; và sẽ đạt được những kết quả tích cực đi cùng với một tương lai tràn đầy hy vọng cho lớp trẻ nước nhà. Sự đan xen những bài học lý thuyết đến những bài tập thực hành cũng và những bài tập đánh giá đã khiến cho quá trình học rất hấp dẫn, tích cực, không bị nhàm chán và thiếu thực tế. Với kinh nghiệm giảng dạy bao nhiêu năm của thầy Nguyễn Văn Mỹ cộng với kinh nghiệm thương trường dày dặn và tâm tư, nhiệt huyết, khát khao của thầy đã giúp người nghe lĩnh hội được nhiều kiến thức, kinh nghiệm, cảm nhận và được truyền ngọn lửa nung nấu tinh thần xây dựng và đào tạo ra một thế hệ mầm xanh phát triển từ chương trình khởi nghiệp.
Khóa học này hơn cả những gì em trông đợi nên em không có gì phải yêu cầu hơn. Mặc dù vậy, nếu chương trình có thể kết hợp, mời thêm được nhiều doanh nhân, những người “có tâm, có tầm, và có tiền” thì sẽ càng hay hơn vì quá trình học sẽ có nhiều hơn những ý kiến, chia sẻ hữu ích và thú vị. Không những thế, với những gì họ có như vừa nói thì những doanh nhân cùng với những giảng viên sẽ có được một hội, một câu lạc bộ các giảng viên và diễn giả như thầy nói vô cùng lớn mạnh và sẽ phát triển bền vững, làm tốt sứ mệnh “Ươm mầm doanh nhân Việt”.


Th.S Bùi Thu Anh
Giảng viên khoa Kinh tế, trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM


Những vấn đề có thể áp dụng vào công việc giảng dạy của bản thân:
• Dạy những kiến thức có thể áp dụng được ngay bằng ngôn ngữ phù hợp với sinh viên.
• Tạo sự đối thoại liên tục với sinh viên trong lớp qua câu hỏi và trò chơi. Hướng các trò chơi vào nội dung cốt lõi của bài học.
• Sắp xếp, tổ chức nội dung bài học theo thời gian một cách hợp lý.
• Rút ra ý nghĩa cốt lõi của bài học khi được áp dụng trong thực tế, chú ý sử dụng lý thuyết mới và các quy luật trong thực tiễn thị trường Việt Nam.
• Khuyến khích sinh viên tạo ra sản phẩm thật từ bài học.
• Sử dụng bài tập phát triển kỹ năng tư duy trong lớp học.
• Sử dụng tiền thật trong lớp học.
Nhận xét về lớp học:
• Nội dung giảng dạy: lý thuyết mới mẻ nhưng không sâu, nhiều lý thuyết gây tranh cãi nhưng không có thời gian để thảo luận so sánh giữa các lý thuyết, đi đến thừa nhận hoặc bác bỏ lý thuyết.
• Phương pháp giảng dạy: hiệu quả, vui vẻ, gây bất ngờ, phù hợp với đối tượng người học. Tuy nhiên, nhiều khi thầy trình bày khá dài, không cần thiết.
• Phương pháp tổ chức lớp học: chuyên nghiệp (có máy chiếu, âm thanh, bảng viết, nước uống, người trợ giảng, dụng cụ dạy học đầy đủ...)
• Địa điểm tổ chức lớp học: tốt, gần căn-tin.
Đề xuất để phát triển cải tiến chương trình:
• Cần mời thêm người giảng là các doanh nhân lớn như Đặng Lê Nguyên Vũ (có thể liên kết với chương trình hỗ trợ khởi nghiệp của công ty cà phê Trung Nguyên). Cần mời thêm các đối tác nước ngoài giảng bài để thấy được quan điểm kinh doanh khác biệt của họ.
• Triển khai đồng loạt chương trình này đến các trường khối ngành kinh tế. Hoặc hệ thống hóa chương trình thành một khóa đào tạo đại trà có cấp chứng chỉ cho sinh viên.
• Cần phân chia chương trình khởi nghiệp theo đối tượng chức năng và theo ngành nghề: khởi nghiệp/làm về nhân sự, khởi nghiệp/làm về mảng tài chính...
• Đa dạng hóa không gian học tập: có thể học tập tại doanh nghiệp, chợ- siêu thị-trung tâm thương mại...
• Thực hiện dự án khởi nghiệp thật cho các đối tượng khó khăn để vừa trợ giúp họ, vừa học hỏi như dự án cho một bà bán bánh mì. Đây là các dự án không tốn nhiều kinh phí, công sức, thời gian...nhưng có ý nghĩa thực tế.
• Cần bổ sung thêm các nội dung về quan điểm kinh doanh/triết lý kinh doanh, phương pháp tư duy phản biện, tư duy sáng tạo, lý thuyết trò chơi, kỹ năng đối phó với khủng hoảng, kinh nghiệm thành công của doanh nhân các nước...
• Cần hệ thống hóa lại các phần giảng về tình hình kinh doanh thực tiễn ở Việt Nam.
• Đối với đối tượng sinh viên, cần bổ sung thêm các nội dung về hướng nghiệp, phương pháp học tập, pháp luật...

ThS. Nguyễn Thị Mai Chi
Trường Cao đẳng Sonadezi

Những đút kết kinh nghiệm rút ra từ tình huống giả định “Công ty SX áo sơ mi”:
Tuy chỉ là tình huống giả định nhưng tính thực tế rất cao, nó mô phỏng hoàn toàn những khả năng của một doanh nghiệp kinh doanh trên thị trường hiện nay gặp phải. Liên hệ thực tế việc kinh doanh của gia đình và tự rút ra những bài học đắt giá cho mình khi điều hành công việc kinh doanh. Đây chính là điều tôi tâm đắc nhất khi theo khóa học này!
Về việc triển khai chương trình Khởi nghiệp cho SV tại Trường Cao đẳng Công nghệ và Quản trị Sonadezi, tôi mong muốn:
• Sử dụng tình huống này và thiết kế thêm tình huống mới cho lớp học Khởi nghiệp cho SV.
• Triển khai thực tế trên mô hình vốn nhỏ cho SV thưc hiện, có thể liên hệ DN xin tài trợ. Đây là sự trãi nghiêm thực tế SV có được trên ghế nhà trường thông qua mô hình làm việc do chính mình tự lên dự án và điều hành. Đặc biệt, những bài học từ sự sai lầm mà mỗi cá nhân khi tham gia dự án gặp phải khi triển khai công việc thực tế chính là bài học giá trị cho họ sau này khi bắt tay vào làm việc thực tế sau khi ra trường.

Trần Văn Của
Trường CĐ Kinh tế - Công nghệ TP.HCM

Là 1 giảng Viên của trường Cao đẳng, tôi rất vui khi được tham gia lớp học của Thầy Nguyễn Văn Mỹ. Dù thời gian không nhiều (chỉ có 8 ngày) nhưng đó là khoảng thời gian rất quý báu cho tôi, qua đó đã cho tôi rất nhiều những kinh nghiệm và bài học về trách nhiệm của một người Giảng viên khi đứng trên bục giảng để truyền đạt lại cho những sinh viên của mình những bài học không chỉ là những lý thuyết mà còn cả những bài học kinh nghiệm, nhưng bài tập mô phỏng để giúp cho người học có được sự hình dung về thực tiễn kinh doanh như thế nào? Qua đó tôi rút ra cho mình một số kinh nghiệm
Thứ 1: Về phương pháp giảng dạy
Thầy có 1 phương pháp giảng dạy rất thu hút mà không phải ai cũng có. Từ cách thức đặt vấn đề dẫn dắt vào nội dung bài giảng, tôi rất thích phương pháp này. Vì từ xưa ta đã quen với phương pháp truyền thống vào lớp là sẽ mở giáo trình và giảng 1 cách hết sức lý thuyết và có lẽ tôi sẽ áp dụng cách thức này cho sinh viên của tôi.
Thứ 2: Về cách thức quản lý thời gian và sử dụng các kỹ năng
Thông qua các trò chơi vận động của Thầy cũng rất hấp dẫn, tường chừng là những trò chơi nhưng qua đó là những bài học rất sâu sắc. Ngoài việc giúp người học cách thức quản lý thời gian, sử dụng các kỹ năng, các phản xạ…. mà còn giúp thư giãn thoải mái hơn sao những lúc học mệt mỏi
Thứ 3: Cách bố trí lớp học rất tốt, giúp mọi người giao tiếp dễ dàng và tiện cho mọi hoạt động trong lớp học.
Tôi hy vọng trong thời gian tới sẽ có thêm những lớp học bổ ích như thế này nửa để mọi người cùng chia sẻ cho nhau nhưng kinh nghiệm trong cuộc sống.
Xin cảm ơn báo diễn đàn doanh nghiệp
Cảm ơn Chị Thủy đã đồng hành cùng lớp trong thời gian qua.

LÊ HỒ ĐIỆP
CTY TNHH TUỔI TRẺ 24


Mình tên là Hồ Điệp, hiện tại đang làm việc tại Công ty TNHH Tuổi trẻ 24, tại TP.HCM. Vào một ngày tình cờ được một anh bạn thân trong báo Diễn đàn doanh nghiệp mời đi học khoá học này.
Đầu tiên mình cảm thấy khá hứng thú với chương trình này khi nghe qua lời mời của anh bạn. Và khi được thực tế đến lớp, mình cảm thấy thật sự hài lòng về chương trình này.
Sự hài lòng đó trước hết là nội dung khoá học có cái nhìn tổng quan trên nhiều khía cạnh và lĩnh vực, mà chuyên sâu là đào tạo khởi nghiệp. Giảng viên là Mr.Mỹ đã rất tâm huyết, tận tâm, tận lực để truyền đạt và chuyển tải toàn bộ kiến thức của chương trình TOT về mặt lý thuyết lẫn thực hành, giảng viên đã sử dụng nhiều phương pháp và kỹ nămg khác nhau để học viên có thể tiếp thu được điều cốt lõi nhất, mặc dù tiết học kéo dài cả hàng giờ, hàng ngày liên tục.
Bên cạnh nội dung khoá học thì các anh chị học viên cũng là một yếu tố khiến cho khoá học trở nên hào hứng với mình hơn. Vì ở đây hội tụ các giảng viên gạo cội, các Tiến sĩ, thạc sĩ và các anh chị đã và đang là những doanh nhân, là giám đốc các doanh nghiệp , điều đó đã tạo nên một môi trường tốt để mỗi người trong lớp có thể học tập một cách tốt nhất và hiệu quả nhất.
Điều cuối cùng là những cảm xúc của cá nhân mình và sự định hướng nghề nghiệp trong giai đoạn tiếp theo. Con người gặp nhau từ một cái duyên cái cớ nào đó mà bản thân mỗi người có cố gắng tìm kiếm cũng không được. Chỉ có điều ý chí và lí tưởng giống nhau sẽ đưa một người gặp được điều mà mình không hề nghĩ đến. Và vì vậy nên tại lớp học này mình đã học hỏi được rất nhiều, quan sát được rất nhiều, quen biết được một số anh chị trong nghề giáo và doanh nhân. Đó cũng là điều quý giá nhất mà mình có được sau khoá học này.
Nhân tiện mình xin được sáng tác một đôi câu thơ ngay tại chỗ để gửi tặng thầy Mỹ, các anh chị học viên. Bài thơ có tựa đề: "Hồ Điệp điệp điệp trùng trùng".

Mưa mây sấm chớp đùng đùng
Tình người sâu lắm hãi hùng mây mưa.
Thấm cho kiến thức dẫu chưa
Đẫm mưa thì ít, ướt dấu xưa mới nhiều.

Lời cuối cùng xin chúc thầy Mỹ và toàn bộ các anh chị một giáng sinh vui vẻ và một năm mới an lành hạnh phúc.

Câu nói muốn gửi gắm: JUST YOU RAISE ME UP

Trần Kim Đính
Trường Cao đẳng Kinh tế TP. HCM


Bản thân là một giảng viên giảng dạy các môn chuyên ngành quản trị kinh doanh tôi cảm thấy thật sự những kiến thức và nội dung chương trình đêm lại cho tôi rất nhiều bài học bổ ích từ những mặt cụ thể sau:
• Thứ nhất: Nội dung chương trình này rất phù hợp và là điểm mà tôi nghĩ sẽ không có khóa đào tạo nào cung cấp cho người học được.
• Thứ hai: Cách tổ chức chương trình của ban tổ chức đã mời được những doanh nhân, những người có kinh nghiệm và nhiệt huyết trong việc phát triển lớp doanh nhân trẻ của đất nước và những giảng viên của các trường đến tham dự lớp học từ đây những giảng viên có thể biết được những lý thuyết mình giảng tại giảng đường và thực tế những lý thuyết đó mà các doanh nhân đã làm và thành công ngoài thực tiễn. Có thể nói rằng chúng tôi đã học rất nhiều điều từ các đóng góp của các doanh nhân cũng như những kiến thức mà thầy cung cấp.
• Thứ ba: Đó là phương pháp giảng dạy và cách thức truyền lửa của giảng viên đã đêm đến cho tôi rất nhiều bài học và phương pháp giúp tôi vận dụng vào giảng dạy tại đơn vị mà mình công tác.
• Thứ tư: Là tôi xin phép sẽ áp dụng chính những phương pháp và những bài tập tình huống này và những kinh nghiệm mà các đồng nghiệp các doanh nhân đã trao đổi trong các buổi học nhằm giúp cho các bạn sinh viên có kiến thức và cả những trải nghiệm để họ nắm rõ hơn và hiểu sâu hơn vấn đề.
• Thứ năm: Bài học tôi học được từ khâu tổ chức và tôi sẽ đề xuất với đơn vị mình khi tổ chức những cuộc thi cho sinh viên hay các hội thảo nên mời một số doanh nhân đến chia sẽ kiến thức kinh nghiệm để các em có thể có cái nhìn sâu sắc hơn về lý thuyết và thực tiễn.
Đóng góp của tôi cho khóa học này là ban tổ chức nên tổ chức nên nhân rộng khóa học này và lòng đam mê kinh doanh cho lớp trẻ.
Tôi xin chân thành cảm ơn ban tổ chức đã cho chúng tôi một lớp học bổ ích và cảm ơn thầy đã truyền cho chúng tôi ngọn lửa đam mê và tinh thần trách nhiệm khi học xong khóa học này tôi hứa sẽ phát huy những gì thầy đã truyền đạt.


ThS. ĐỖ MINH HOÀNG
KHOA KINH TẾ, ĐẠI HỌC NÔNG LÂM TPHCM


Trước hết em xin cám ơn đến Ban tổ chức và đặc biệt là sự nhiệt tình giảng dạy và chỉ bảo của Thầy Nguyễn Văn Mỹ. Từ buổi học đầu tiên và đến bây giờ em đi từ bở ngỡ này đến những bở ngỡ khác. Thứ nhất Thầy đã cho em vô vàn những kỹ năng và cách thức như thế nào để trở thành một giáo viên giỏi và cụ thể hơn là một giáo viên truyền đạt giỏi.
Một giáo viên giỏi là cần phải có kiến thức và kỹ năng, nếu chỉ có kiến thức thôi thì không đủ. Qua những buổi học và những bài tập động lực của Thầy, em đều suy nghĩ liên hệ về những buổi học thực tế mình sẽ phải thay đổi phương pháp giảng dạy cho học sinh như thế nào để buổi học trở nên sinh động và nhớ mãi. Học sinh sẽ trải nghiệm những kiến thức và những trò chơi một cách cuốn hút và là động lực kích thích các em không đến lớp thì không thể chịu nổi. Tuy nhiên những bài tập động lực không chỉ là trò chơi mà thông qua đó nhằm giáo dục nhân cách và tập cho các em động não suy nghĩ, phán đoán, nhận xét vấn đề. Đây là bài học thứ nhất em sẽ áp dụng cho những buổi giảng của mình để thổi lửa và hình thành ý tưởng kinh doanh cho các em; phải luôn luôn có những ý tưởng và nắm bắt cơ hội trong cuộc sống cũng như kinh doanh qua buổi đầu tiên trình bày về bản thân bằng hoạt động đốt cháy que diêm. Ai cũng có cơ hội để trải nghiệm và thành công và trên đời không có ai dở hết, quan trọng là mình phải biết nắm bắt cơ hội và suy nghĩ để biến những cái “không thể thành có thể”. Từ những kiến thức này em rút ra được rất nhiều cho bản thân và cho những buổi giảng của mình đó là mình phải thổi lửa một cách nhẹ nhàng từ những buổi chơi 10-15 phút để các em suy nghĩ dần dần, hình thành ý tưởng và một sự “khích lệ” từ cô giáo là một điều rất quan trọng. Các em phải tự tin vào bản thân bên cạnh đó là sự luôn học hỏi, rèn luyện thì các em sẽ thành công trong tất cả lĩnh vực không chỉ là trong kinh doanh.
Bài học thứ hai em học được và có thể nói không bao giờ quên được đó là buổi học mô phỏng của nhóm mình. Một sự trải nghiệm vô cùng quý giá và đau đớn đó là mình được kinh doanh thật, sản xuất thật và tính toán thật và thất bại thật. Qua mô hình này cho em thấy kinh doanh thật vô cùng phức tạp và linh hoạt vì có những người kinh doanh 20 năm và giảng dạy hơn 10 năm nhưng vẫn thất bại. Chúng ta học được từ mô hình này không chỉ sự thất bại thông qua việc công ty bị lỗ mà chúng ta học được rất nhiều bài học trong kinh doanh. Ví dụ khi Thầy đưa bài, em được phân công là kế toán trưởng nhưng em đã nghiên cứu hết tất cả từ việc nghiên cứu khách hàng của mình bao gồm 4 người khách; lên kế hoạch chiến lược để đám phán; lên bảng giá bán và giá thành bằng excel tương ứng từ mức giá hòa vốn đến mức giá có lời và lợi nhuận tối đa tương ứng với từng mức sản lượng.
Tuy nhiên công ty em lại thất bại và em đã thấy rất vui từ thất bại này. Đó là một sự trải nghiệm thực tế và cho chúng ta bài học kinh doanh không chỉ là sự tính toán mưu lược mà nó đòi hỏi sự đoàn kết và trôi chảy mọi hoạt động từ khâu quản lý đến vận hành và phân phối… rất nhiều vấn đề. Sự đồng lòng và đoàn kết thì chúng ta sẽ chuyển thất bại sang thành công một cách dễ dàng hơn.
Qua việc mô phỏng bài tập áo sơ mi này chắc chắn em sẽ lên kế hoạch và cho sinh viên của mình trải nghiệm mô hình này để các em có thể vận dụng những lý thuyết mình học trên giảng đường vào kinh doanh và rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu từ những thất bại và thành công trong khâu nào từ mô hình này. Thông qua đó hình thành một ý tưởng kinh doanh và lên kế hoạch nếu như mình muốn kinh doanh bất kỳ một sản phẩm nào đó trong tương lai khi mình ra trường.
Bài học thứ ba và vô cùng quý báu để em có thể áp dụng và nhân rộng trong giảng đường đó là “kỹ năng truyền đạt thông tin hiệu quả”. Một cái sai lầm của rất nhiều người thầy/cô bao gồm tiến sỹ, thạc sỹ đó là truyền đạt những thông tin, kiến thức thật cao siêu và phức tạp. Họ cứ nhồi nhét vô đầu các em vô vàn kiến thức và luôn tự cho mình là giỏi và tài. Tuy nhiên các em lại không hiểu gì cả và đâm ra chán chường việc học và chúng cảm thấy việc học trở nên căng thẳng quá.
Điều này làm suy giảm sự tư duy, động não và đam mê trong việc học của các em. Nếu điều này càng kéo dài thì thật nguy hiểm cho xã hội và sự phát triển của đất nước. Kinh nghiệm và kiến thức Thầy cho em về những kỹ năng này em sẽ tự chỉnh đốn bản thân và thổi luồn sóng mới này cho từng người giáo viên trong khoa em. Làm sao truyền đạt những thông tin từ phức tạp trở thành không phức tạp. Cái mà em tâm đắc nhất đó là người Cô không chỉ am hiểu vấn đề mình sẽ truyền đạt mà điều quan trọng là phải thấu hiểu người nghe xem họ thích gì, muốn gì và họ ở vùng miền nào….và quan trọng không kém đó là “kinh nghiệm” lấy cái mà người nghe đã biết và gần gũi cuộc sống để chuyển tải những vấn đề của mình muốn truyền đạt.
Truyền đạt như thế nào là thành công đó là mình nói rõ ràng, cụ thể và dễ hiểu. Nhiều người luôn cho mình đúng và ít khi lắng nghe sự phê bình, góp ý của người khác đặc biệt là sinh viên. Mình phải cố gắng nghe càng nhiều sự phản hồi từ phía người nghe thì mới tiến bộ và có động lực phấn đấu không ngừng. Đây cũng chính là sự “tương tác” mà Thầy luôn muốn truyền đạt cho chúng ta.
Phải luôn có sự tương tác trong tất cả lĩnh vực; trong giảng dạy thì sự tương tác sẽ phá vỡ được sợi dây vô hình giữa Thầy và trò thì buổi học sẽ sinh động hơn ngoài ra sẽ là động lực thúc đẩy các em phát huy ý tưởng, mạnh mẽ ngay từ trong giảng đường và dám nói lên những cái đúng, không đúng thì sau này khi các em ra ngoài xã hội các em sẽ luôn dám nói và dám làm, tự tin vào bản thân mình. Đây là cách giáo dục mà phương Tây đã áp dụng và vì vậy đất nước của họ rất phát triển vì có người dám đấu tranh, dám nói, dám phê bình.
Em cảm thấy được hấp thu rất nhiều kiến thức và kỹ năng từ Thầy; sau khi học khóa này xong em rất khát vọng được truyền đạt những kiến thức, những bài tập, mô phỏng qua bài tập áo sơ mi và tất cả cho sinh viên nhưng chắc chắn là sẽ có nhiều thắc mắc. Vì vậy rất mong sẽ được sự chỉ bảo thêm của Thầy thì tụi em mới có kinh nghiệm nhiều hơn.
Về nội dung, phương pháp và địa điểm em thấy rất tuyệt vời và trên cả tuyệt vời. Vì vậy em có đề xuất nên tổ chức thêm nhiều buổi học như thế này nữa để mọi người đều có cơ hội học hỏi và truyền đạt những gì mình học cho thế hệ khác.

ThS.HUỲNH KIM HOÀNG
GVCH Khoa QTKD trường Đại Học CNTT Gia Định



Trãi qua hơn 20 năm làm nghề viết báo và 20 năm làm công tác quản lý tại một doanh nghiệp xuất nhập khẩu lớn trong ngành y tế, tôi ngẩu nhiên bước vào nghề dạy học cách đây 6 năm khi đã ở tuổi 60. Ngay từ khi mới bắt tay vào nghề giảng viên, tôi luôn cố gắng kết hợp những kiến thức hàn lâm trong sách giáo khoa với những kinh nghiệm thực tiển khá phong phú mà tôi đã gặt hái được trong quá khứ. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa thực sự cảm thấy yên lòng và chưa thỏa mãn về những gì mà mình đã truyền đạt cho sinh viên. Tôi vẫn luôn băn khoăn không biết sinh viên còn nhớ được và vận dụng vào thực tế được những gì mình đã cố công giảng dạy sau khi họ rời ghế nhà trường. Cho đến nay, tôi đã giảng dạy một số môn học thuộc ngành QTKD ở nhiều trường khác nhau. Ở đâu, tôi cũng phải soạn kỹ đề cương cho mỗi môn học, phải chuẩn bị thật kỹ càng trước khi lên lớp và phải đảm bảo đúng tiến độ cũng như đầy đủ số tiết giảng theo qui định. Trong mấy năm gần đây, hầu hết các trường luôn đòi hỏi giảng viên phải áp dụng phương pháp giảng dạy gọi là “hiện đại và tiên tiến” trong đó sinh viên đóng vai trò trung tâm lấy sự tự học, tự nghiên cứu sách giáo khoa và tài liệu học tập là chính, còn giảng viên chỉ giữ vai trò của nhà dìu dắt, hướng dẫn giống như một huấn luyện viên của một đội bóng . Tuy nhiên, thực tế cho thấy sinh viên các trường đều chịu khá nhiều áp lực, nhiều khi bị quá tải do học quá nhiều môn và thi cùng một lúc. Tôi nhận thấy rất nhiều bạn trẻ chưa thật sự có nhiều hứng thú trong học tập và điều rất phổ biến họ rất thích nói chuyện riêng nhưng lại rất e ngại phát biểu ý kiến hoạc nêu những thắc mắc liên quan đến bài học và nhất là rất yếu trong việc thuyết trình bài tập nhóm. Từ thực trạng đó, một câu hỏi luôn đặt ra trong tôi: “Sinh viên sau khi ra trường chưa thực sự đáp ứng nhu cầu của xã hột là do lỗi ở sinh viên hay ở giảng viên?”. Và tôi cũng đã cố gắng đi tìm “đáp án” hợp lý nhất cho câu hỏi nầy.
Qua hơn một tuần lễ theo sát khóa tập huấn “Kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên” do thầy Nguyễn Văn Mỹ (giảng viên cao cấp) phụ trách, tôi đã tìm ra được đáp án như sau: 70% do giảng viên và 30% còn lại do sinh viên, có nghĩa là trách nhiệm của giảng viên nhiều hơn. Khóa tập huấn cho tôi thấy rằng nếu chúng ta giảng dạy không quá thuần về lý thuyết mà dùng phương pháp trực quan sinh động qua những trò chơi hoạc các tình huống mô phỏng được chọn lọc thật sát sườn với nội dung của các tiết giảng thì có thể lôi cuốn đến 100% người học tham gia một cách tự nhiên và rất hào hứng. Một điều chắc chắn là phương pháp dạy và học như vậy sẽ giúp học viên nhớ được rất lâu, thậm chí không bao giờ quên! . Cái lớn nhất mà bản thân tôi tâm đắc và thu hoạch được một cách sâu sắc trong khóa tập huấn nầy nằm ở chỗ đó!
Dù tuổi tác đã cao và việc đi đứng, di chuyển không được bình thường, nhưng với lòng nhiệt huyết cộng với phương pháp truyền đạt mới mẻ và rất có hiệu quả, thầy Nguyễn Văn Mỹ đã đem đến cho bản thân tôi cũng như cho tất cả học viên của lớp TOT-2 nầy nhiều niềm cảm hứng dạt dào. Sau khi kết thúc khóa học, tôi nghĩ tất cả học viên sẽ có thể vận dụng có hiệu quả phương pháp giảng dạy của Thầy vào hoàn cảnh thực tế của mỗi trường để đem đến cho sinh viên của mỉnh nhiều kiến thức mới và nhiều kỹ năng thật sự bổ ích, giúp cho các bạn trẻ tự tin hơn, vững vàng hơn, khởi nghiệp tốt hơn và xác suất thành công trong kinh doanh chắc chắn sẽ cao hơn./.

TS. Nguyễn Tiến Hoàng
Trưởng bộ môn môn nghiệp vụ Trường Đại học Ngoại thương


Qua nhiều ngày liên tục tham gia Khóa đào tạo giảng viên nguồn chương trình khởi nghiệp (11-19/12/2013), tôi mạo muội xin được chia sẻ một vài suy nghĩ và cảm xúc như sau:
1. Về những giá trị do chương trình mang lại cho bản thân
Là một giảng viên chuyên ngành Thương mại quốc tế, nghe thoáng qua nhiều người dễ dàng cho rằng nội dung chương trình này có lẽ không phù hợp với bản thân tôi. Chương trình sẽ phù hợp hơn với các giảng viên chuyên về Quản trị kinh doanh, Khởi sự doanh nghiệp… Tuy nhiên, bản thân tôi lại tự nhận ra rằng mình đã thu được thật nhiều điều bổ ích từ chương trình. Có thể kể ra đây những giá trị thiết thực như sau:
- Một là, tôi được chuyển tải từ người thuyền trưởng của chương trình – Giảng viên cao cấp Nguyễn Văn Mỹ - ngọn lửa nhiệt huyết của người đứng trên bục giảng. Với Thầy, ngọn lửa ấy sẽ cháy và sáng mãi nếu như cội nguồn của nó là sự đam mê đối với nghề nghiệp và niềm tin vào sự thành công của những thế hệ người học.
- Hai là, tôi được củng cố và hoàn thiện hơn về phương pháp và kỹ năng sư phạm của một người thầy. Nội dung phương pháp và kỹ năng này có thể là không mới đối với nhiều giảng viên tham gia chương trình. Tuy nhiên, không phải ai cũng thành công trong vận dụng trên bục giảng. Do vậy, một cách chính xác hơn là tôi (và tôi tin là với cả những giảng viên khác tham gia chương trình) được trang bị cách vận dụng phương pháp và kỹ năng sư phạm thông qua nhiều bài tập thực hành bổ ích xoay quanh nhân tố trung tâm là người học.
- Ba là, về kiến thức chuyên môn dành cho người khởi nghiệp, do không phải là giảng viên chuyên sâu về mảng này nên có lẽ điều thiết thực nhất mà tôi thu hoạch được là nắm bắt được những kiến thức cần có đối với một người muốn khởi nghiệp thành công. Đó là những hiểu biết về pháp luật điều chỉnh hoạt động kinh doanh, cách thức xây dựng một kế hoạch kinh doanh, các chiến lược marketing được áp dụng thành công ở những thị trường khác nhau với những đặc thù không giống nhau... Mọi sự thành công đều phải có khởi đầu của nó, và những hiểu biết khởi đầu như vậy là không bao giờ thừa đối với những ai muốn dấn thân vào hoạt động kinh doanh.
2. Những chia sẻ về công tác tổ chức chương trình
Công tác tổ chức khóa học cũng để lại trong tôi nhiều ấn tượng tốt. Nổi bật trên hết là sự chu đáo của Ban Tổ chức khóa học. Sự chu đáo ấy được thể hiện thông qua những việc làm rất cụ thể. Đó có thể là cuộc điện thoại trước khi bắt đầu khóa học để nhắc nhở từng học viên, đó có thể là những lời dặn dò chu đáo của Ban Tổ chức cho từng buổi học,… Tất cả những điều đó đã tạo ra bầu không khí thân tình và sự gần gũi giữa những người làm công tác tổ chức và các anh chị học viên.
Đặc biệt, tôi được biết rằng toàn bộ chi phí cho công tác tổ chức khóa học này chủ yếu từ nguồn vận động tài trợ và cá nhân Thầy không nhận bất kỳ khoản thù lao nào từ công tác giảng dạy. Vậy động cơ nào đã khiến Thầy và Ban Tổ chức phải bỏ nhiều thời gian, công sức như vậy cho chương trình nếu như đó không phải là sự tận tâm với công việc, sự kỳ vọng vào một đội ngũ doanh nhân thành đạt của đất nước trong thời đại mới? Đây là điều nổi bật, nổi bật lên trên tất cả để làm nên thành công của chương trình. Cá nhân tôi luôn tin rằng những khóa học như thế này, nếu được tiếp tục tổ chức, sẽ tiếp thêm sức mạnh về cả tinh thần và trí tuệ cho đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong sứ mệnh cao cả hiện nay.
Kinh nghiệm xử lý công việc khó có thể được truyền đạt giữa những con người với nhau. Kinh nghiệm đó chỉ có thể được trang bị hiệu quả thông qua chính trải nghiệm của bản thân. Với ý nghĩa như vậy, những trải nghiệm từ chương trình này thực sự rất đáng quý và là hành trang thiết thực đối với cá nhân tôi trong sự nghiệp trồng người. Từ trong sâu thẳm của mình, tôi xin bày tỏ sự tri ân đối với những tình cảm và sự tâm huyết của Thầy đối với chương trình. Xin chân thành cảm ơn Ban Tổ chức đã mang đến cho chúng tôi một chương trình thật sự bổ ích và nhiều ý nghĩa./.

Phạm Thị Phương Hồng

Tôi chỉ là người học ké lớp TOT. Nhưng tôi cảm nhận là có nhiều người không thật sự chú tâm vào chương trình học. Có lẽ họ cảm thấy không cần vì họ không phải là doanh nhân cần bổ sung kiến thức để kinh doanh như các lớp tổ chức cho doanh nhân . Lớp 2 tổ chức nên thu một phần tiền để thực sự ai thấy cần học mới học. Thông báo rõ chương trình học trứoc để làm gì cho học viên hiểu mình có thực sự cần học lớp này không. Qua lớp này thấy rõ các giáo viên giảng dạy về kinh tế xa rời thực tiễn. Giáo trình, sự hiểu biết thực tiễn các giảng viên như vậy thì các học sinh của họ càng lơ mơ khi ra thực tiễn. Có cách nào phổ biến chương trình này rộng khắp cho tất cả các giáo viên dạy về các môn kinh tế trong các truờng ?

Nguyễn Thị Huyền: Giảng viên
Trưởng phòng Thanh tra pháp chế Sở hữu trí tuệ
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐHQG TPHCM


Những vấn đề rút ra từ khóa học để áp dụng trong công tác của bản thân:
Được tham dự khóa học là một điều rất vui của em, thông qua khóa học, em đã rút ra được nhiều điều rất lý thú và cần thiết cho các hoạt động công tác của bản thân. Thông qua cách thức tổ chức khóa học của giảng viên và của Ban tổ chức, cho thấy để thực hiện tốt bất kỳ một vấn đề nào, chúng ta cần phải quan tâm đến các khía cạnh, đến mọi vấn đề một cách toàn diện, từ khâu chuẩn bị đến khâu tổ chức vận hành, từ những kiến thức đến những kỹ năng và thậm chí cả những tài liệu chi tiết. Người giảng viên, không chỉ có kiến thức là đủ mà cần có phương pháp và kỹ năng giảng dạy.
Khóa học đã giúp cho các học viên phát triển thêm phương pháp giảng dạy mới và nâng cao các kỹ năng cần thiết của học viên khi mong muốn thực hiện tốt vai trò là giảng viên. Bên cạnh đó, còn bổ sung thêm các kiến thức kinh doanh của người học cũng như phát triển khả năng nhận thức và tư duy của học viên . Trong quá trình giảng dạy, người giảng viên phải biết tích hợp giữa kiến thức chuyên môn với các kỹ năng phát triển duy và các kỹ năng xã hội khác để giúp người học đạt được tốt nhất với mục tiêu của chương trình đặt ra.
Những nhận xét về nội dung giảng dạy, phương pháp giảng dạy, địa điểm, cách thức tổ chức lớp học.
- Nội dung giảng dạy:
Rất hay, đa dạng phong phú, rất phù hợp với đối tượng học viên. Nội dung trải rộng từ kiến thức cần thiết về kinh doanh, khởi nghiệp đến những phương pháp trong giảng dạy, tổ chức lớp học và các kỹ năng của người giảng viên khi giảng dạy với nhiều bài tập và tài liệu học rất thiết thực.

- Phương pháp giảng dạy:
Với phương pháp học tập trải nghiệm, đan xen giữa lý thuyết và thực hành giúp nâng cao năng lực của người học không chỉ về kiến thức mà còn về kỹ năng. nhiều hoạt động học tập được tổ chức bài bản, tỉ mỉ, công phu tạo được sự hứng thú của người học, tạo được sự tương tác tốt giữa giảng viên với học viên và giữa các học viên với nhau, đặc biệt trong các hoạt động học tập dựa trên dự án kinh doanh và các hoạt động tập thể.

- Địa điểm học:
Phòng học rộng rãi với trang thiết bị tốt cho giảng dạy, bàn ghế có thể di chuyển giúp cho việc tổ chức các hoạt động học được hiệu quả.

- Công tác tổ chức chuẩn bị:
Rất tốt, có chăm lo nước uống cho người học, có thông tin kịp thời đến các học viên về các chương trình trình tập huấn, có chuẩn bị và cung cấp các tài liệu chu đáo, đầy đủ cho các học viên .

Theo ý kiến cá nhân em, để phát triển chương trình thì cần làm gì?
Chương trình rất hay, cần thiết và hữu ích, đề xuất mở rộng cho nhiều đối tượng được tham gia tập huấn. Đối với các học viên là giảng viên, Ban tổ chức có thể xem xét tổ chức khóa học vào học kỳ hè để có nhiều học viên có thể tham gia nhiều hơn.

VÕ HỮU KHÁNH
Khoa QUẢN TRỊ KINH DOANH - Trường ĐH CÔNG NGHIỆP TP.HCM


Sau quá trình tham gia khoá học do VCCI và Báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp tổ chức trong thời gian từ 11/12/2013 đến 19/12/2013, tôi đã nhận thấy được nhiều điểm mới mẽ và thúc đẩy tôi ứng dụng vào trong bài giảng cho các sinh viên của tôi.
Các kiến thức tôi được tiếp nhận trong khoá học này là các kiến thức đã được học khi còn là sinh viên, nhưng lại gặp khó khăn trong quá trình tổng hợp. Có nhiều sinh viên gặp tôi hỏi rằng “Thầy ơi, em học xong chuyên ngành QTKD này rồi làm gì hả thầy?”. Đây là câu hỏi mà tôi đã suy nghĩ nhiều và đang cố gắng giúp cho em sinh viên của tôi đúc kết, cô đặc lại phần kiến thức rất rộng trong quá trình học đại học của các em. Và thật mừng là đã được tham gia khoá học này, “Buồn ngủ gặp chiếu man”, tôi cũng đã định hướng được cách thức để đúc kết lại để truyền đạt lại cho các bạn sinh viên của tôi.
Thông qua khoá học này, tôi sẽ tư vấn cho Ban Chủ Nhiệm Khoa sẽ tổ chức một môn học, chương trình cụ thể hay một cách thức nào đó dành cho sinh viên năm cuối, hoặc có sinh viên có quan tâm về vấn đề khỏi nghiệp cho bản thân để tiến hành giảng cho các em. Và sẽ liên với Ban Tổ Chức Chương Trình khởi nghiệp để xây dựng nội dung cụ thể.
Về nội dung của chương trình, phương pháp giảng, phương pháp tổ chức lớp, Ban tổ chức đã làm rất tốt. Tôi rất mong muốn thêm rằng, VCCI và Báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp tạo điều kiện cung cấp thêm nhiều tài liệu nghiên cứu để phục vụ công việc giảng dạy sau này và tổ chức nhiều khoá học chuyên sâu hơn.
Để chương trình này phát triển sâu rộng hơn, và phổ quát nhiều hơn, tôi nghĩ Ban tổ chức cần xây dựng 1 lực lượng chủ lực lực tại khu vực phía nam này và phối hợp các địa phương để hướng dẫn chương trình này cho các đối tượng phù hợp. Đồng thời phát động các chương trình kêu gọi các mạnh thường quân đóng góp tạo kinh phí hoạt động cũng như những nhà đầu tư tiềm năng tham gia chương trình này.

NCS.ThS Ngô Cao Hoài Linh
Giảng viên Khoa QTKD- Đại học Công Nghiệp TP.HCM

Ở đâu và bao giờ cũng vậy, giáo dục đại học vừa là một trong những nấc thang đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong hệ thống giáo dục quốc dân vừa là môi trường học thuật đặc biệt. Tuy nhiên, khi nói về sứ mạng và vai trò của đại học không chỉ dừng lại ở việc đào tạo phát triển nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng nhu cầu xã hội (dù đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng của đại học) như ta thường nghe trong các diễn đàn giáo dục đại học cũng như trên các phương tiện truyền thông thời gian gần đây. Vai trò của đại học trong bối cảnh hiện nay còn đặt ra những yêu cầu nhiều hơn thế và cao hơn thế nữa.
Với mục tiêu xây dựng những đội ngũ doanh nhân tương lai, Chương trình khởi nghiệp Quốc gia đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm trang bị kiến thức và khơi gợi được khát vọng doanh nhân cho thế hệ trẻ. Để có đội ngũ gỉang viên giảng dạy chương trình Khởi nghiệp Quốc gia, lần đầu tiên, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã mở lớp đào tạo giảng viên nguồn cho Chương trình khởi nghiệp tại TP.HCM. Tôi đã may mắn được học thầy Thầy Nguyễn Văn Mỹ, Giảng viên Cao cấp CEFE, người đã đóng góp rất nhiều công sức cho Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia, người đã tham gia gỉang dạy hàng trăm lớp Khởi sự kinh doanh ở khắp các tỉnh thành trong nước. Tại lớp hợc ý nghĩa này, thầy đã chia sẽ với chúng tôi. Sự chuyển mình và phát triển của giáo dục đại học Việt Nam trong bối cảnh hiện nay đặt ra nhiều vấn đề trên các phương diện đào tạo và quản lý; trong đó chú trọng đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới phương thức đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy.v.v.
Qua khoá học, tôi ý thức được rằng trên hành trình nâng cánh cho những giấc mơ khởi nghiệp mình không chỉ đóng vai trò một giảng viên, một gạch nối giữa tri thức với thực tiễn đời sống mà còn là những doanh nhân tri thức với những nhiệm khó khăn nhưng rất đỗi tự hào:
Thứ nhất, khơi dậy trong tâm thức của người khởi nghiệp sự đam mê. Đam mê như một mầm cây, cần được chăm sóc, vun trồng để có thể vươn lên phát triển tốt. Đam mê chính là cội nguồn, là động lực mạnh mẽ cho các quyết định về tương lai của mỗi con người. Đam mê sẽ đưa đến cho bản thân mỗi người sự nhiệt tình, niềm vui thích và luôn cố gắng để làm tốt công việc trong mọi hoàn cảnh. Đó cũng chính là chìa khóa cho những ai bắt đầu khởi nghiệp để tìm kiếm sự thành công trong cuộc sống.
Thứ hai, đó chính là một kế hoạch rõ ràng. Với những việc nhỏ thì kế hoạch của bạn đơn thuần nằm trong suy nghĩ của bạn mà không cần phải viết ra giấy. Nhưng nếu là một kế hoạch kinh doanh hay kế hoạch lớn hơn thì rất cần thiết phải nằm trên giấy và càng nhiều dữ liệu bao nhiêu thì kế hoạch của bạn sẽ càng khả thi bấy nhiêu. Khi đã lên được kế hoạch rõ ràng, bạn phải thường xuyên trao đổi, chia sẻ với các đồng nghiệp trong nhóm, biến nó thành kế hoạch chung của cả nhóm và cùng nhau thực hiện kế hoạch đó.
Bởi lẽ, giáo dục đại học không chỉ thể hiện sự trưởng thành của người học về mức độ tri thức, mà còn là cơ hội để người học đạt được các mục tiêu nghề nghiệp cá nhân và hiệu quả kinh tế. Đứng trên bình diện cá nhân, giáo dục đại học cải tiến chất lượng cuộc sống của từng cá nhân chúng ta. Hơn thế nữa, giáo dục đại học có tầm quan trọng vô cùng to lớn đối với xã hội nói chung.
Nó mở ra cánh cửa cho sự hiểu biết của chúng ta đối với các mức độ phức tạp của xã hội hiện đại, và nó cho phép chúng ta đóng góp vào sự giàu mạnh của cộng đồng và dân tộc. Giáo dục đại học không phải chỉ là lợi ích tư (private benefit), mà còn là lợi ích công vô cùng quí báu (public good). Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển tiếp sang nền kinh tế tri thức, vai trò của các trường đại học đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Một trong những thách thức chính yếu mà các trường ĐH phải đối mặt là làm thế nào để đào tạo được sinh viên đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội.
Tôi luôn ý thức được rằng: chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên mà mọi thành tựu khoa học và công nghệ đều xuất hiện một cách hết sức mau lẹ và cũng được đổi mới một cách cực kỳ nhanh chóng. Ngày nay nghiên cứu khoa học là một trong những hoạt động có tốc độ phát triển nhanh nhất thời đại. Bộ máy nghiên cứu khoa học đã trở thành khổng lồ, nó đang nghiên cứu tất cả các góc cạnh của thế giới. Các thành tựu nghiên cứu khoa học đã được ứng dụng vào mọi lĩnh vực của cuộc sống.
Trong thực tế, không phải lúc nào cũng có sự trùng khớp giữa mục tiêu của môn học và kết quả học tập thực tế của sinh viên. Chất lượng đào tạo nói chung, hiệu quả của phương pháp giảng dạy nói riêng càng cao thì khoảng cách này càng được thu hẹp. Điều đó lý giải rằng, nếu tăng cường các phương tiện, thiết bị dạy học hiện đại, tăng cường các hoạt động của người học trong quá trình học tập ở đại học v.v. chỉ là một nửa của thành công; một nửa còn lại là kết quả thực tế mà sinh viên có được từ các hoạt động ấy có đáp ứng được yêu cầu của mục tiêu môn học đặt ra.
Nếu coi cuộc đời của một người nghiên cứu khoa học là một hành trình gian nan với những đỉnh cao tri thức vinh quang đang vẫy gọi, thì tôi đang ở điểm khởi đầu. Vì vậy tôi kỳ vọng sau thời gian học lớp này, tôi sẽ có cơ hội hoàn thiện bản thân với việc được củng cố kiến thức nền tảng và chuyên sâu về kinh tế quốc tế, tiếp cận các phương pháp giảng dạy mới, tạo ra bước đột phá trong việc nâng cao tư duy khoa học, chuyển hoá tri thức ứng dụng vào thực tế, phục vụ cho công việc nghiên cứu khoa học và giảng dạy của mình tại khoa Quản Trị Kinh Doanh – Trường Đại học Công Nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh.
Tôi tin rằng, sau khoá học Lớp đào tạo giảng viên nguồn Chương trình Khởi nghiệp Quốc Gia (TOT), tôi có thể cập nhật những kiến thức mới cũng như tất cả những phát triển mới liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu. Bên cạnh đó tôi sẽ xây dựng được kĩ năng phát hiện vấn đề hay đặt câu hỏi có ý nghĩa cho nghiên cứu chuyên ngành của mình, có khả năng làm chủ được phương pháp giảng dạy mới hướng đến nhiều đối tượng người học, hoàn thiện những kĩ năng về truyền đạt thông tin, kể cả trình bày kết quả nghiên cứu nhằm thắp sang ước mơ khởi nghiệp.

TS. Phạm Thị Minh Lý
Trường Đại học Tôn Đức Thắng


Đầu tiên cho phép em gửi lời cám ơn chân thành đến Ban tổ chức đã tạo điều kiện cho em được tham gia khóa học này. Em đã tiếp cận được một số phương pháp giảng dạy tích cực, các bài tập thực hành và trải nghiệm rất thú vị và bổ ích. Những chia sẽ của thầy Mỹ về đối nhân xử thế và cách giải quyết các tình huống có thể xảy ra trong lớp học, đặc biệt là lớp học dành cho người lớn giúp em rất nhiều. Ngoài ra, chương trình còn tạo cho em cơ hội được kết nối với các đồng nghiệp, các doanh nhân để cùng hợp tác và phát triển. Em xin gửi lời tri ân sâu sắc và chân thành nhất tới Thầy - người đã và đang ngày đêm đốt đuốc soi đường cho các thế hệ doanh nhân Việt Nam. Kính chúc Thầy, Ban tổ chức sức khỏe, hạnh phúc và chúc cho chương trình Khởi nghiệp thành công!

Nguyễn Thanh Nghĩa và Phát triển Doanh nghiệp Đà Nẵng
Cty Đầu tư Hỗ trợ

Anh chị có thể áp dụng những vấn đề gì từ khóa đào tạo này cho công việc của mình?
Những vấn đề có thể áp dụng được từ khóa học:
1. Cửa sổ Johary để tìm hiểu về bản thân và những người xung quanh từ đó tìm ra được những cách làm việc phù hợp và hiệu quả nhất với bản thân mình.
2. Phương pháp truyền đạt thông tin để đảm bảo tính đơn giản, chính xác và kịp thời nhằm đạt được hiệu quả công việc cao nhất có thể.
3. Một số phương pháp tư duy mới và kĩ năng cần thiết để giải quyết vấn đề tốt hơn, thoát ra khỏi khuôn mẫu và tư duy khép kín.
- Bạn nhận xét gì về nội dung đào tạo, phương pháp giảng dạy, phương pháp tổ chức lớp học? Địa điểm tổ chức lớp học...?
Nội dung hay và thiết thực, phương pháp đơn giản dễ hiểu lắng đọng, phương pháp tổ chức đơn giản không gây stress, địa điểm thuận tiện tuy có hơi xa trung tâm.
- Để chương trình này phát triển tốt hơn, anh chị có đề xuất gì?
Theo tôi, có lẽ phải mở thêm nhiều lớp nữa mới có thể có đủ số lượng tương đối học viên nhận xét đánh giá. Khi đó điều chỉnh sẽ phù hợp hơn.

Xin cảm ơn.

Th.s Huỳnh Quốc Phong
Trường Đại Học Quốc Tế Hồng Bàng


Lần đầu tiên tôi được tham gia một khóa đào tạo thú vị như thế này. Trong giai đoạn tôi đang lựa chọn con đường rõ ràng mình đang và sẽ đi, cũng như những việc mà mình đang và sẽ làm trong hiện tại lẫn tương lai.
Có những điều thực sự quá mới mẻ với một người lần đầu tiên được học như tôi, thông qua khóa học sẽ giúp mình gặt hát được rất nhiều điều, nhất là về tư duy, cái mà mình đang muốn thay đổi.” Tôi cảm thấy rất vui và hạnh phúc khi tham gia khóa đào tạo này.
Vì sao tôi lại cảm nhận thư thế? Vì thông qua kiến thức của khóa học, thầy giáo đã mong muốn học viên tìm hiểu, nghiên cứu vận dụng phương pháp giảng dạy mới vào công việc của bản thân học viên, định vị giá trị thương hiệu của cá nhân một cách rõ ràng
Đồng thời qua đó, khóa học đã kỳ vọng vào các học viên cảm thấy hài lòng, tích lũy niềm đam mê về con đường mình đang chọn, mong ước xa hơn sự phát triển bền vững của mô hình này trong bối cảnh hội nhập toàn cầu. Học viên xin được cảm ơn Giảng viên cao cấp CEFE Nguyễn Văn Mỹ đã định hướng và hướng dẫn khoa học rất tận tình.
Qua 3 ngày tham gia khóa học, tôi tin rằng việc tích lũy kinh nghiệm thông qua kiến thức được truyền đạt rõ ràng, phương pháp giảng dạy hiện đại bằng những bài tập động lực thú vị, bài tập mô phỏng trải nghiệm thực tế trong kinh doanh cuốn hút và những cuộc tranh luận đầy “máu lửa” của học viên trong lớp … những trải nghiệm đó sẽ giúp ích rất nhiều cho quá trình công tác của tôi sau này.
Khóa đào tạo này sẽ được hoàn thành là nhờ có sự truyền đạt kiến thức rất sâu về chuyên môn và phong phú về thực tiễn của xã hội của giảng viên, sự chăm lo và hỗ trợ kịp thời của Ban tổ chức khóa học, sự chia sẻ kinh nghiệm của các anh, chị trong khóa học. Tôi trân trọng gửi lời biết ơn chân thành nhất.
Tham gia khoá học là quyết định đúng đắn của chính bản thân mình. Đây là một mô hình đào tạo hiện đại, thể hiện sự kết nối tuyệt vời cho không chỉ các nhà giáo, doanh nhân mà còn cho cả xã hội.
Tội tự nhủ bản thân sẽ luôn học hỏi và trau dồi kiến thức cho đến khi tôi có thể đứng vững và thành công ở vị trí như Thầy Mỹ trong sự nghiệp trồng doanh nhân cho đất nước.

Võ Thế Sinh
Trường Đại học Tôn Đức Thắng

Tôi là giảng viên của trường Đại học Tôn Đức Thắng, sau khi tham gia học lớp TOT, thực sự tôi rất ấn tượng về cách tương tác của thầy giáo đứng lớp với học viên. Trong suốt thời gian học, thầy đã đốt lên ngọn lửa, tạo sự thích thú cho người học trong mọi hoàn cảnh. Đặc biệt là những bài học tạo động lực đối với học viên vô cùng giá trị cho việc giảng dạy của chúng tôi.
Thành thật cảm ơn BTC đã tạo điều kiện cho lớp học chu đáo, cảm ơn các anh chị cùng đồng hành với lớp đã chia sẽ nhiều kinh nghiệm thực tế vô củng thiết thực cho việc đào tạo ra lớp doanh nhân trong tương lai.

Trương Thanh Thảo, VCCI Can Tho

Đến với khóa học TOT lần này, có thể nói tôi là một học viên cá biệt, vì đây là một khóa đào tạo giảng viên nguồn cho chương trình khởi sự kinh doanh, nhưng chuyên ngành của tôi thì lại là bên lĩnh vực Công nghệ thông tin. Để đến được với khóa học này, trước đó tôi đã phải đấu tranh tư tưởng với chính bản thân tôi rất nhiều, đến khi quyết định theo học, tôi cảm nhận được một cái gì đó hay hay trong khóa học ngay ngày đầu tiên với một người thầy (xin được phép tôi sử dụng từ “thầy” thay cho “giảng viên”, vì một lý do hết sức đơn giản là tôi kính trọng thầy) có một cách truyền đạt và kinh nghiệm giảng dạy rất hay, rất khác biệt.

Rời khỏi ghế nhà trường, tôi nhận công việc làm theo đúng chuyên ngành của tôi, trong khoản thời gian làm việc và tiếp tục theo học nâng cao kiến thức, tôi nhận ra rằng, chuyên ngành của tôi dù có giỏi tới đâu thì cũng chỉ là một “công nhân trí thức”. Tôi nhận ra điều này đã khá lâu và tôi đưa ra rất nhiều câu hỏi tự hỏi bản thân mình và tự tìm câu giải đáp sao cho hợp lý nhất. Theo học khóa học này đến ngày thứ 3 trong đầu tôi “mở” ra được một cái gì đó nó vẫn còn mù mờ, nhưng đến ngày hôm nay tôi khẳng định rằng sau khi kết thúc khóa học này, tôi sẽ cố gắng hết sức mình để làm sao cho các em SV Công nghệ thông tin ngay từ ghế nhà trường được định hướng và có cái nhìn về khởi sự kinh doanh, tôi biết một mình tôi thì không thể nào đủ sức, đủ lực, đủ tri thức, đủ tầm để thực hiện được việc này, nhưng tôi tin đâu đó vẫn có người cũng quan điểm với tôi.

Tôi không lĩnh ngộ được hết những gì thầy đã giảng dạy, đã chia sẽ trên lớp cũng như trong những buổi nói chuyện, nhưng trong những cái tôi đã học được, tôi tin là tôi sẽ tự tin hơn, chủ động hơn khi đứng lớp. Qua khóa học này tôi có được cái nhìn tổng thể một Doanh nghiệp nhỏ và vừa người ta cần những gì, gặp khó chổ nào, cũng như những người chuẩn bị thành lập doanh nghiệp, đây là một việc rất quan trọng trong công việc của tôi để tôi có thể đưa ra phương án hỗ trợ, tổ chức đào tạo cho Doanh nghiệp những nội dung mà họ cần.

Ngoài mục tiêu đến với khóa học này để được trau dồi kiến thức, tôi còn đặt ra mục tiêu là làm sao tạo được mối quan hệ với các giảng viên, các doanh nhân đến từ nhiều trường, nhiều Công ty, doanh nghiệp. Chính vì điều đó, tôi rất mong muốn các giảng viên, các anh/chị sau khóa học chúng ta vẫn còn giữ được mối nối kết với nhau, cùng nhau chia sẽ những kinh nghiệm, có thể chính mỗi người trong chúng ta là một nhân tố ảnh hưởng rất lớn, rất có ý nghĩa đến với những đối tượng thực sự cần tìm đến chương trình này.
Xin cảm ơn ban tổ chức khóa học này đã làm cầu nối cho tôi có thể gặp gỡ, làm quen với rất nhiều giảng viên đến từ các trường, các anh/chị doanh nhân đến từ các Cty khác nhau và đặc biệt hơn hết là thầy Nguyễn Văn Mỹ, người mà tôi đã học được rất nhiều điều.

Nguyễn Thị Như Thùy
Cty Tri thức Hậu Cần

Lời đầu tiên, em xin gửi đến Thầy Nguyễn Văn Mỹ và Ban tổ chức chương trình đã xây dựng một chương trình đào tạo đầy ý nghĩa này.
Em thật sự rất ấn tượng với một người Thầy lớn tuổi nhưng đầy nhiệt huyết với ngọn lửa đam mê và với khát vọng làm giàu cho thế hệ doanh nhân tương lai trong đôi mắt của Thầy.
Em hiện tại chương trình từ đứng trên bục giảng ngày nào, em đang làm công việc tại phòng giáo vụ ở trung tâm đào tạo về ngành nghề Logistics, mặc dù chưa làm giảng viên nhưng khát khao của em một ngày nào đó mình sẽ trở thành một cô giáo trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và có thể truyền khát vọng trong công việc của mình đến với những bạn trẻ muốn làm việc trong lĩnh vực đầy hấp dẫn này.
Qua khóa học, em được biết thêm nhiều điều và ngộ ra nhiều điều, trước giờ mình vẫn làm những điều như Thầy đã truyền đạt, tuy nhiên, đã không khác thác triệt để những điểm đó nên cũng làm ảnh hưởng rất nhiều công việc của mình và em có thể thay đổi trong công việc và phần nào định hướng lại cho ước mơ trở thành giảng viên của mình càng hoàn hảo hơn, sau khi hoàn thành khóa học.
Những phương pháp này rất phù hợp với thế hệ trẻ hiện nay và giúp các bạn tương tác nhiều hơn với giảng viên , giúp lớp học tạo nên một cộng động nhỏ trong lớp, đòi hỏi các bạn phải làm việc nhiều trong lớp giúp bài học được thực hiện ngay trong cộng đồng thu nhỏ này.
Những bài học động lực giúp em thấy được tầm quan trọng những hoạt động trong việc tác động đến thói quen và cách suy nghĩ của học viên có thể giúp học viên thay đổi trong tư tưởng.
Em hi vọng chương trình sẽ tạo cầu nối giữa các doanh nhân và các giảng viên để kiến thức và thực tế có thể song hành cùng các bạn sinh viên tham gia vào chương trình khởi nghiệp. Đây là dịp để những hạt giống doanh nhân có thể tiếp xúc với môi trường thực tế trước thềm của ngưỡng cửa tham gia vào thế giới doanh nhân trong cuộc chạy đua để làm giàu, làm phồn vinh nền kinh tế nước nhà .
Một lần nữa em chân thành cảm ơn thầy Nguyễn Văn Mỹ đã truyền cho em ngọn lửa đam mê với công việc giảng dạy để ươm mầm doanh nhân tương lai và có thể bắt đầu khởi nghiệp với công việc làm giàu của bản thân mình.
Trân trọng cảm ơn Thầy và ban tổ chức chương trình.

Võ Ngọc Toàn –

 ĐH Bà Rịa – Vũng Tàu

Trước hết tôi xin cảm ơn Báo Diễn đàn Doanh nghiệp và Giảng viên cao cấp CEFE Nguyễn Văn Mỹ cùng các anh, chị trong Ban tổ chức đã cho chúng tôi một cơ hội tham gia vào chương trình thiết thực và đầy ý nghĩa này.
Tham dự khoá đào tạo đội ngũ gỉảng viên giảng dạy chương trình Khởi nghiệp Quốc gia này, tôi xác định mục tiêu là nắm bắt và cập nhật những kiến thức, nắm vững các phương pháp và kỹ năng có liên quan trong khoá học để rồi truyền đạt lại cho các sinh viên cũng như các học viên của mình những nội dung trên nhằm góp phần vào mục đích xây dựng một đội ngũ doanh nhân tương lai thông qua việc trang bị cho họ những kiến thức cần thiết trong kinh doanh, đặc biệt là trong quá trình khởi nghiệp cũng như khơi gợi được khát vọng doanh nhân cho thế hệ trẻ, đóng góp vào sự phồn vinh của đất nước như tên gọi của phương pháp CEFE “Sự phồn vinh của một nước phụ thuộc vào sự hình thành và phát triển của các doanh nghiệp”.
Một điều mà tôi tâm đắc và đánh giá cao đó là tính thực tiễn rất cao của khoá học. Các kiến thức và kỹ năng được giảng viên khoá học là GVCC Nguyễn Văn Mỹ phổ biến trong lớp luôn bám sát thực tế và rất sinh động. Tôi nghĩ mình sẽ áp dụng phương pháp trên cho những lớp Khởi nghiệp sau này; đó là kết hợp những trãi ngiệm thực tế với kiến thức lý thuyết để có thể trang bị cho sinh viên của mình một cái nhìn chính xác và toàn diện hơn. Ngoài ra các bài tập kỹ năng của GVCC Nguyễn Văn Mỹ cũng rất thiết thực, sinh động đầy ý nghĩa và có mục đích rõ rang và chắc chắn sẽ được áp dụng trong các lớp học của tôi sau này.
Về nội dung đào tạo, theo tôi, với thời gian tương đối ngắn mà khoá học vẫn có thể bao quát đến 5 modul với những bài học khá cụ thể và chú trọng vào một số kiến thức quan trọng trong kinh doanh như vậy là một sự thành công đáng ghi nhận. Tôi cũng rất ấn tượng và ngưỡng mộ kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh cũng như trãi nghiệm thực tế phong phú của GVCC Nguyễn Văn Mỹ. Điều này cùng với sự tận tuỵ, nhiệt huyết và phong cách giảng dạy vừa mới (ví dụ như không phát tài liệu trước mà bắt học viên phải động não và tham gia tích cực hơn vào bài học) vừa lôi cuốn khiến cho tôi thấy thích thú mặc dù đôi khi cũng căng thẳng (theo nghĩa tích cực) trong quá trình học.
Một trong những yếu tố góp phần tạo nên thành công của khoá đó là công tác tổ chức lớp rất hiệu quả từ công tác bố trí sắp xếp lớp học, bố trí trợ giảng, chuẩn bị tài liệu, thông báo liên hệ học viên, phổ biến giáo trình..vv.. tất cả đều được thức hiện nhanh chóng kịp thời với thái độ hết sức lịch sự và thân thiện.
Tuy nhiên do hạn chế về thời gian nên một số bài học không thể bao quát đầy đủ và đi sâu một cách chi tiết hơn ở chẳng hạn như Các phương pháp Marketing, hoặc phần diễn giải hơi nhanh và chưa đầy đủ ở một số bài tập đánh giá như PEC. Ngoài ra ở bài tập tình huống giả định KD áo sơmi, các thành viên trong nhóm không được phổ biến trước một cách đầy đủ, rõ ràng về tình huống, luật chơi và phần việc cụ thể của vai mình nên dẫn đến bị động và bối rối trong quá trình thực hiện.
Trên đây là những nhận xét, đánh giá của cá nhân tôi về khoá đào tạo đội ngũ gỉảng viên giảng dạy chương trình Khởi nghiệp Quốc gia mà tôi tham dự. Đây là khoá học rất hay, thiết thực và nhiều ý nghĩa và tôi rất hân hạnh tham gia khoá học này.
Xin cảm ơn Báo Diễn đàn Doanh nghiệp – đơn vị tổ chức khoá học; GVCC Nguyễn Văn Mỹ - giảng viên khoá học và các anh, chị trong ban tổ chức lóp.

Th.S Lê Sĩ Trí
Đơn vị: Trường đại học Bà Rịa-Vũng Tàu

1. Anh (chị) có thể áp dụng những vấn đề gì từ khóa đào tạo này cho công việc của mình?
Tôi nghĩ rằng sau khi kết thúc khóa đào tạo này, tôi có thể áp dụng vào công việc của mình những vấn đề sau đây:
- Một là, tôi có thể đóng vai trò giảng viên nguồn mở các lớp đào tạo lại cho các giảng viên trong trường nhằm nhân bản mô hình đào tạo này cho trường và cho địa phương;
- Hai là, tôi có thể cùng với các giảng viên khác phối hợp mở các lớp đào tạo kỹ năng mềm “Khởi nghiệp” cho các sinh viên năm cuối sắp ra trường;
- Ba là, tôi có thể mở các lớp đào tạo ngắn hạn “Khởi nghiệp kinh doanh” dành cho những người chưa từng được đào tạo về kinh doanh nhưng đang có mối quan tâm đến kinh doanh;
- Bốn là, tôi có thể thành lập một nhóm giảng viên đã qua chương trình này phối hợp cùng với các ngành Lao động, thương binh và xã hội; Đoàn thanh niên; Hội Phụ nữ; v.v… đi về các vùng nông thôn tổ chức các lớp ngắn hạn về nghiệp vụ kinh doanh dành cho các đối tượng dân trí thấp giúp họ có các kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp kinh doanh.
2. Bạn nhận xét gì về nội dung đào tạo, phương pháp giảng dạy, phương pháp tổ chức lớp học? Địa điểm tổ chức lớp học...?
Tôi cho rằng nội dung đào tạo phù hợp với mục tiêu đào tạo “Khởi nghiệp kinh doanh”, vừa có giá trị lý luận, vừa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Phương pháp giảng dạy và cách thức tổ chức lớp học tương thích với nội dung đào tạo và mục tiêu của lớp. Địa điểm tổ chức lớp thuận tiện cho người học.
3. Để chương trình này phát triển tốt hơn, anh chị có đề xuất gì?
Tôi xin kiến nghị nhân rộng mô hình này và cải tiến chương trình theo hướng có tính cộng đồng hơn. Được như thế, chương trình chắc chắn sẽ mang lại những lợi ích thiết thực không chỉ cho giới doanh nhân mà còn cho cả giới sinh viên khối ngành phi kinh doanh cũng như các tầng lớp đại chúng khác, góp phần cung ứng nguồn nhân lực về kinh doanh và quản trị có chất lượng cho xã hội đáp ứng được nhu cầu của xã hội nước ta trong tình hình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng./.

Trần Minh Trí
Khoa Kinh Tế, trường Đại học Nông Lâm Tp.HCM


Kính gởi thầy Nguyễn Văn Mỹ, ban tổ chức và các nhà tài trợ,
Theo yêu cầu của thầy và ban tổ chức, mỗi học viên được yêu cầu làm một bài thu hoạch với những nội dung và cấu trúc đã được gợi ý sẵn. Tôi xin phép thực hiện bài thu hoạch này theo cách riêng của tôi, đó là một bức thư của cảm xúc với hy vọng truyền tải một thông điệp trải nghiệm của tôi về khóa học này cho các học viên TOT khóa sau và có thể là những học viên doanh nhân tiềm năng trong tương lai. Sau đây là nội dung của bức thư đó.
Các bạn thân mến,
Tôi tên Trần Minh Trí, là giảng viên đang công tác tại Khoa Kinh Tế, trường Đại học Nông Lâm Tp.HCM, đồng thời cũng là học viên lớp TOT khóa 1 khu vực phía Nam trong chương trình đào tạo khởi nghiệp. Trước khi tham gia lớp học TOT này, tôi đã có 4 năm học đại học, 2 năm học thạc sỹ và gần 10 năm tham gia công tác giảng dạy đại học. Thời gian đó có thể được xem là quá đủ cho một giảng viên tích lũy kiến thức và kinh nghiệm để thực hiện chức năng của một người thầy, người có thể dạy sinh viên làm kinh tế.
Tuy nhiên, thực tế không phải vậy. Qua các cuộc trao đổi chia sẻ với những cựu sinh viên bằng nhiều hình thức như gặp trực tiếp, qua email, facebook… tôi nhận ra rằng khoảng cách giữa kiến thức trong giảng đường đại học và thực tế công việc làm kinh doanh còn xa quá. Không xa sao được khi đa số những người thầy chỉ là những giảng viên lý thuyết và chưa có kinh nghiệm làm kinh tế nào. Ấy vậy nên tôi cũng đã tìm mọi cách để trải nghiệm thực tế kinh doanh, dù chỉ ở quy mô nhỏ. Tôi đã từng thử kinh doanh bất động sản, kinh doanh sách tài liệu, dịch vụ chụp ảnh tốt nghiệp sinh viên và thậm chí đã từng tham gia vào kinh doanh theo mạng (network marketing), mà nhiều người có ác cảm do những biến tướng của hình thức “bán hàng đa cấp” này. Kết quả những hoạt động ấy có cả những niềm vui xen lẫn những nỗi buồn, nhưng tất cả đều có giá trị cho tôi những bài học từ kinh doanh. Hiện nay, tôi vẫn đang làm một số hoạt động và cũng đang tìm giải pháp để sao cho bài giảng của tôi “có hồn” nhất.
Và một cơ hội nữa đã đến với tôi, đó là cơ hội tham gia lớp học TOT, nơi mà tôi kỳ vọng học được những kiến thức, phương pháp và kinh nghiệm thực tiễn từ những người đã từng hoặc đang làm kinh doanh. Nói không ngoa, vì những khao khát trên và biết được ý nghĩa của chương trình học nên tôi đón nhận cơ hội này với cảm giác như bắt được vàng. Cảm giác cao độ đến mức tôi quyết định không xin ý kiến của thủ trưởng đơn vị vì lỡ bị từ chối, hoặc thủ trưởng cử người khác thì xem như tôi bị mất cơ hội. Cảm giác đón nhận là thế, cảm giác trải nghiệm lớp học như thế nào?
Không biết như thế nào để diễn tả. Đó là trạng thái luôn đau đầu và mệt mỏi sau mỗi buổi học. Lạ là ở chổ cảm giác này tôi sẵn sàng đón nhận một cách tự nguyện với một cảm giác hân hoan. Bởi lẽ chương trình học quá hay từ nội dung đến phương pháp giảng dạy. Về nội dung, tôi không đủ trình độ để nhìn thấy một hạn chế nào, đơn giản bởi vì gói chương trình này được nhập khẩu từ một nước phát triển. Mặt khác, ý nghĩa của lớp học đã “gãy đúng chổ ngứa” của tôi nên mọi thứ tôi cảm thấy rất hay.
Về phương pháp, dù tôi đã từng tham gia vài lớp học với phương pháp tương tự, “trải nghiệm trước, kiến thức sau”, nhưng tính hệ thống về phương pháp của cả khóa học và trong từng bài đều khiến tôi có ấn tượng mạnh, đặc biệt trong trò chơi và bài tập. Chẳng hạn, trong bài tập kinh doanh, ở đó có những kịch bản và những vai diễn giúp các học viên trải nghiệm và nhận ra nhiều chông gai trong thực tiễn kinh doanh. Tương tự, trong phần rút kinh nghiệm từ bài tập (4 giảng viên lên điều khiển), theo cảm nhận của tôi, cũng có kịch bản và những vai diễn giúp người học, những trainer trong tương lai, nhận ra phương pháp nào hay phương pháp nào chưa hay. Cái hay hơn nữa là những kịch bản ấy đủ độ hoàn chỉnh để khiến tôi cũng muốn nhập một vai diễn của một người chỉ trích phê bình một chiều, một hạn chế trong giao tiếp. Không biết có ai nhận ra hay không, nhưng với tôi đó cũng là một trải nghiệm thú vị. Phương pháp hay được dẫn dắt bởi một giảng viên có nhiều kỹ năng và kinh nghiệm khiến tất cả đến với tôi thật tuyệt vời.
Một khi nội dung và phương pháp được đánh giá tuyệt vời như thế thì phương pháp tổ chức lớp học và địa điểm tổ chức lớp học không đáng quan tâm nữa (thực tế rất tốt). Điều này cũng giống như trường hợp đối với một giảng viên dạy giỏi thì “quá giờ” không phải là lý do để cho sinh viên ngủ gật vậy. Nói chung, cho đến giờ tôi chưa nhận thấy được một hạn chế nào từ khóa học này.
Một chương trình hay như thế, nếu học xong, lấy chứng chỉ rồi để đấy thì thật là lãng phí. Cả chương trình học đã lấy đi bao nhiêu tiền bạc của các nhà tài trợ, bao nhiêu công sức và tâm huyết của giảng viên – thầy Nguyễn Văn Mỹ cùng ban tổ chức và bao nhiêu thời gian của những học viên. Do vậy, tôi hy vọng tất cả những học viên trong lớp hãy làm một điều gì đó sau khi hoàn thành khóa học.
Với tôi, có một mục tiêu mà tôi tự đặt ra cho mình, đó là “từ nay cho đến khi không còn khả năng làm việc được nữa, tôi sẽ thắp lửa và góp phần dẫn đường cho ít nhất 10 doanh nhân trong tương lai”. Trước đây, tôi từng quan niệm: “thà tạo ra 2-3 tướng lĩnh còn hơn cho ra lò 1 vạn lính đánh thuê”, nhưng chưa có công cụ làm việc đó. Và nay kiến thức, kinh nghiệm từ khóa học này đã giúp cho tôi nhận thấy được một con đường dù còn đang mờ ảo. Không biết mục tiêu như thế là quá cao hay quá thấp, nhưng phải có mục tiêu rõ ràng thì mới có kế hoạch và hành động được.

Để đạt được mục tiêu này, tôi hy vọng nhận được sự hỗ trợ từ các anh chị đồng môn, đồng nghiệp, các doanh nhân, cơ quan và cả sự tham gia hưởng ứng của các học viên sinh viên. Mục tiêu này có lẽ sẽ bắt đầu bằng sự ra đời của một Câu lạc bộ khởi nghiệp – Khoa Kinh Tế, trường Đại học Nông Lâm Tp.HCM trong một tương lai không xa. Kết quả thế nào? Thời gian sẽ trả lời, nhưng tôi tin là mục tiêu của mình sẽ đạt được.

Cuối cùng, chúc các bạn sức khỏe để lĩnh hội hết những tinh túy của khóa học và chúc các bạn thành công từ những điều tinh túy đó. Đặc biệt, trong vài dòng sau cuối, tôi xin gởi lời kính chúc sức khỏe đến thầy Nguyễn Văn Mỹ, một trong số ít những người thầy mà tôi cảm nhận được sự tâm huyết trong sự nghiệp “trồng người”, đến ban tổ chức, các anh chị học viên và chúc cho chương trình này gặt hái được thành công và đạt được mục tiêu như mong đợi.

Trần Minh Trí – một học viên lớp TOT, khóa 1, miền Nam




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét